Tôi đã đi thăm (5)

“… Chạy thục mạng như Nguyễn Ánh chạy Tây Sơn…”

Hồi còn nhỏ, tôi rất thường hay nghe mọi người ví von như thế. Lớn lên một chút, tôi biết thế nào là “chạy thục mạng” nhưng cũng chưa hiểu vì sao Nguyễn Ánh lại chạy Tây Sơn như vậy. Khi bắt đầu yêu thích lịch sử thì tôi đã rõ nguyên nhân nhưng Nguyễn Ánh chạy trốn nơi đâu, như thế nào thì bây giờ tôi mới hình dung ra lờ mờ vì …
…Tôi đã đi thăm.

Đây là một trong những nơi Nguyễn Ánh “lánh nạn”, vì sao có tên là Hang Giếng Tiên thì tôi sẽ giải thích ở những ảnh sau.
Đường vào hang rất khó đi nên Công ty Du lịch Lữ hành Kiên Giang đã làm con đường tạm này.

Chuẩn bị xuống tàu vào hang. Chi phí cho một chuyến tham quan như thế (kèm hướng dẩn viên) là 240k với số lượng giới hạn là 20 người/tàu. Khi đến nơi thì chỉ có tôi và thằng nhân viên, và tôi đã xài “kỷ năng sales” của mình cho đủ số lượng người. Chuyện nhỏ.

“Khách hàng” của tôi (hay là “nạn nhân” đây không biết) mặc áo phao khi đi biển theo đúng quy định của ngành hàng hải.

Đến cửa hang rồi, lột tất cả giày dép ra và xắn quần lên để…

…lội bì bõm vào hang (thủy triều đang lên)

Nơi khô ráo nhất, nhìn từ cửa hang trong.

Các bạn nhìn ra đây là Phật Bà Quan Âm đang ngự trên tòa sen hay không? Tôi thì thua trắng.

Đây được cho là cái ngai cho Chúa Nguyễn ngồi khi thủy triều lên cao. Nhiều người đã leo lên ngồi thử.

Nửa con gà – Tương truyền rằng, các cận thần đã săn cho Chúa Nguyễn một con gà rừng. Khi dùng được nửa con thì quân Tây Sơn đuổi đến cửa hang, Chúa bèn ném nửa con còn lại vào vách hang và bỏ chạy. Lâu ngày, nửa con gà đó đã thành đá để ghi nhớ thời cơ cực của Chúa Nguyễn (Hướng dẩn viên nói thế)

Thủy triều và dòng chảy đã xói mòn nền hang, tạo thành 9 bậc tam cấp. Điều này được coi như một điềm dự báo tốt lành rằng Chúa Nguyễn Ánh sẽ lấy lại được giang sơn.

Có ai nhìn ra hình Đường Tam Tạng cưỡi ngựa thỉnh kinh không? Tôi lại thua trắng nữa.

Trên 9 bậc tam cấp do dòng chảy và thủy triều tạo nên đó, là một khoảng trống cở 3m2. Nơi đây, Chúa Nguyễn đứng “thết triều”.

Đây là lối đi lên miệng giếng (được gọi là Giếng Tiên), chỉ một người có thể lách mình lên được. Và tôi cũng cố leo lên cho được.

Đây là nước trong giếng. Giữa một vùng mênh mông biển mặn như vậy, lại có một giếng nước ngọt ngay trong lòng hang, quả là một kỳ công của tạo hóa.

Các chai lọ bạn nhìn thấy ở đáy, không phải là do người ta vứt rác đâu, mà là họ đã cố múc được nước lên để nếm cho rõ thực hư. Và tôi cũng đã nếm thử, nó không như nước suối hay nước mưa, nước lã ta uống, nó có vị lờ lợ của thứ nước ta thường uống ở các vùng nhiểm phèn. Nhưng như thế đã là may phúc cho tam đại đồng đường nhà Chúa rồi.

Đây là một hang đá vôi,  và các hình thù mà ta thấy được trong hang đều do nước mưa tạo thành. Các truyền thuyết và hình thù đó tạo nên một điểm đến hấp dẩn cho du khách.
Sự thật thì đúng là Chúa Nguyễn đã ẩn náu trong hang này, khi thủy triều lên, nước lấp miệng hang lại, thì hết đường vào.
Nguyễn Ánh đã sang cầu cứu Xiêm La (Thái Lan) cũng từ hang đá này, và ta cũng đã biết trận Rạch Gầm – Xoài Mút vang danh của quân Tây Sơn.
Hang được đặt tên là Giếng Tiên vì chỉ có phép tiên mới tạo được một giếng nước ngọt giữa bốn bề biển mặn. Thật ra đó chỉ là nơi nước mưa đọng lại và không có chỗ thoát mà thôi, và chính sự ngẩu nhiên của tạo hóa đã làm hồi sinh một triều Nguyễn suy vong.
Hang cũng có một tên gọi khác là Động Kim Cương, vì trong quá trình lưu vong Chúa Nguyễn đã bỏ lại khá nhiều châu báu. Ngư dân trong vùng đã nhiều người vớt được.

Tôi sẽ lại đi thăm… một nơi khác nữa.

20/5/2010

Bình luận về bài viết này