Tôi đã đi thăm (20) – Phan Thiết, ngày trở lại

Không đến kịp để xem lễ hội Nghinh Ông, 2 năm một lần trên sông Cà Ty
Không đến kịp để xem múa Chăm lạ mắt trên Lầu Ông Hoàng
Không đến kịp để tháp tùng đoàn du khảo đi Hải đăng Kê Gà như dự định

Đặt chân xuống bến xe Phan Thiết lúc 12.30h ngày 2/9, chưa kịp hoàn hồn đã bị nhét vào taxi về khách sạn. Đến khách sạn, chỉ kịp để cái ba lô trên phòng là bị “lũ quỷ” bắt đi. Chỉ được “tha” về khách sạn lúc 12.30h đêm. Mệt, say, buồn ngủ, nhừ tử cả người.

Sáng tranh thủ lúc “lũ quỷ” còn chưa tìm đến, rủ rê một tên đi đến thăm nơi này.

...
Đố biết nơi đây là đâu?

...
Câu trả lời đây

...
Gọi là trường nhưng thực ra lúc đó chỉ là một lớp học nhỏ như thế này Tất cả bàn ghế không gian xưa vẫn được giữ nguyên trạng

Trường Dục Thanh được xây dựng vào cuối năm 1907 do ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, 2 con trai của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông khởi xướng. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ.

Năm 1910, trên đường đi tìm phương cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại đây. Tháng 02 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn lên tàu vượt đại dương tìm đường cứu nước. Do nhiều lý do của biến động lịch sử, trường Dục Thanh đã đóng cửa năm 1912.

...
Chỗ này được gọi là NHÀ NGƯ, nơi nội trú của thầy trò trường Dục Thanh. Dĩ nhiên thầy giáo Nguyễn Tất Thành cũng lưu trú ở đây.

...
Nhìn từ ngoài vào Nhà Ngư, bàn ghế, giường chõng, trống trường …

...
Mọi thứ hết sức đơn sơ. Cái trống thì đúng như nguyên mẫu cũ, nhưng mặt trống thì không

...
Đây là giếng nước sinh hoạt của trường. Thầy Thành cũng dùng nước này để chăm sóc khu vườn trường.

...
Đây là cây khế trong vường trường, do chính tay thầy Thành trồng và chăm sóc. Trái vẫn trỉu nặng cành hôm nay

...
Sau lưng trường Dục Thanh (sát vách) là nhà thờ Nguyễn Thông. Không vào được đó vì … không có giấy giới thiệu. Mẹ kiếp

Với lý do lưu giữ những tư liệu quý giá nguyên bản của Nguyễn Thông, họ đã từ chối mở cửa cho tôi và các du khách khác, kể cả nước ngoài. Tôi định “lót tay” nhưng nghĩ lại nên thôi.

...
Nhà thờ không vào được, nhưng Ngọa Du Sào thì vào được.

Sau khi được bổ làm Bố Chánh Sứ Bình Thuận, Nguyễn Thông đã xây dựng Ngọa Du Sào ở Phan Thiết làm nơi dừng chân trong quá trình khẩn hoang, lập đất. Cũng tại nơi này ông đã viết “Ngọa Du Sào văn tập” hiện còn lưu giữ nguyên bản tại nhà thờ của ông. Ngọa Du Sào có nghĩa là “tổ nằm chơi” để đọc sách làm thơ.

...
Căn gác nhỏ ở Ngọa Du Sào, cũng cấm trèo lên. Chán

...
Không cho trèo lên gác, ta ra ngoài chụp tạm cái ban công.

Nguyễn Thông (1827 – 1884), sinh trưởng ở Gia Định và mất ở Bình Thuận. Sinh thời ông từng giữ chức Biện lý bộ Hình, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Hàn lâm viện Thị giản học sĩ sung chức Doanh điển sứ, Đốc học tỉnh Vĩnh Long, Bố chánh sứ Bình Thuận… Ông là nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà xã hội nổi tiếng nửa sau thế kỷ 19.

Ông có nhiều đóng góp tích cực trong việc khảo sát khẩn hoang vùng đất phía tây Bình Thuận (thuộc 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh ngày nay). Ông là người có tư tưởng canh tân tiến bộ trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, kinh tế, lịch sử… Ông để lại nhiều tác phẩm văn thơ nổi tiếng như Kỳ Xuyên văn sao, Ngọa Du Sào văn tập, Việt sử cương giám khảo lược…

...
Mộ phần của ông, nằm dưới chân núi Cố.

Lúc còn sống Nguyễn Thông thường ngày qua đây chọn núi Cố làm nơi yên nghỉ của mình. Núi Cố có nhiều cây cối, chim chóc, dưới chân núi là biển cả tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.

...
Ngôi mộ được xây giản dị và gần gũi như tấm lòng và con người của ông

Mộ có chiều dài 9,45m rộng 6,35 m phần chính mộ đắp hình con lân như những ngôi mộ người xưa. Trên mộ có tấm bia bằng đá, khắc chữ Hán, nội dung trên bia là bài văn bia do chính Nguyễn Thông viết : “…Sau khi ta trăm tuổi rồi, hồn phách còn nhớ đến núi này chăng? hoặc rốt cuộc cũng về chốn không còn gì chăng? Điều đó đều không thể biết được. Còn như trăng biển, buồm ngư phủ, chòi tiều phu vẽ lạ của khói mây thay đổi, hình thù của thuồng luồng chập chờn, sau này cảnh đó có thể giúp vào cuộc thưởng thức của tao nhân du khách vậy”.

...
Ông đi mang theo mình bút nghiên như nguyện vọng. Nhưng 2 cây bút này … xấu quá.

...
Không thể nào lấy được toàn cảnh vì rộng lớn quá.

...
Không lấy toàn cảnh được thì chụp từng phần vậy. Mộ của vợ ông và cháu nội bác sĩ Nguyễn Quý Phầu (con trai ông Nguyễn Quý Anh) mất năm 1920.

...
Chụp kỷ niệm, coi như lưu lại dấu chân Lãng Tử

Tuy làm quan trong triều nhưng ông rất căm thù thực dân Pháp. Những năm ở Bình Thuận Nguyễn Thông đã có ý thức chuẩn bị kế hoạch xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài.

Ông đã đi rất nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận, đã phát hiện nhiều khu vực đất đai trù phú như khu vực sông La Ngà, Đức Linh và chính những điều tai nghe mắt thấy sau này để lại cho ra đời nhiều tác phẩm văn thơ hay. Nguyễn Thông đã tập hợp dân ”tị địa” lập ra “Đồng Châu xã” để tạo cho họ có tổ chức tương tự làm ăn sản xuất ổn định cuộc sống tại Bình Thuận sau khi lánh từ trong Nam ra.

Nguyễn Thông mua đất cất nhà tại Phan Thiết và ông coi đây là quê hương thứ hai của mình (khu vực di tích Dục Thanh hiện nay). Khu lăng mộ cụ Nguyễn Thông và trường Dục Thanh đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999

...
Cái này nhìn đơn giản nhưng lại liên quan đến một bí ẩn lịch sử

Đáng nói là ngôi mộ này nằm cách nơi giả thuyết có mộ vua Quang Trung chỉ non cây số. Bình Thuận chỉ là đơn vị hành chính cấp phủ, trong khi các thái giám (là người được tuyển để phục vụ trong tam cung lục viện và khi mất thường được chôn chung trong một nghĩa trang ở kinh đô như nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu (tây nam thành phố Huế). Chính vì chưa giải thích được vấn đề trên nên rất nhiều người ở Bình Thuận vẫn nghĩ rằng ngôi mộ vị thái giám đã tạo thêm một cơ sở nữa để khẳng định mộ vua Quang Trung được chôn bí mật đâu đó tại đây. Có một đồn đại rằng vị thái giám này cưỡi ngựa theo phò di hài vua Quang Trung xuôi vào Bình Thuận, đến Phú Thiện Xuân (một địa danh thuộc huyện Hàm Thuận Bắc gọi như tên Phú Xuân mà vua Quang Trung đóng đô trước đây) thì bị truy sát, chặt đứt đầu. Con ngựa bạch dù kiệt sức vẫn chở vị thái giám mất đầu chạy đến đây, trước là làng Sơn Thủy, xã Sơn Hải thì ngã quỵ. Từ đó những người dân địa phương sau khi chôn cất cho vị thái giám còn đúc một con ngựa bạch to như ngựa thật nằm phủ phục, đầu hướng về ngôi mộ (?).

...
Ngôi mộ viên thái giám đó đây

...
Và tượng con ngựa to như ngựa thật nằm phục đây

...
Và cả phần mộ của viên lính tùy tùng ngài Thái Giám nữa. Ông này có tên Đội Cứa.

...
Khu mộ này được trùng tu năm 1924. Bây giờ là chỗ để thiên hạ … xin số đề.

Bí ẩn về mộ vua Quang Trung đến giờ này các nhà sử học vẫn chưa giải được. Tuổi của tôi thì cũng đang ở phía bên kia triền dốc, không biết đến chết rồi có biết được mộ Ngài ở đâu không. Thôi. Mong thằng “Lãng Tử con” nó sẽ biết được bí ẩn lịch sử này.

...
Ăn nhậu cùng “lũ quỷ”. Biết tôi đi PT, chúng nó bắt xác từ bến xe.

...
Có người dặn tôi “Mua quà cho em”. Không có thì giờ đi chợ, suýt nữa trể xe, nên đành tặng cô ấy trái thanh long này. Còn trên cành đẩm sương nữa.

...
Và nhành phong lan này nữa ở ban công khách sạn

Những ân tình Phan Thiết
Không biết nói thế nào
Thôi thì hẹn lần sau
Móc hầu bao hậu tạ.

7/9/2010

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Tôi đã đi thăm (20) – Phan Thiết, ngày trở lại

  1. cây khế đấy là do cụ Nguyễn Thông trồng, trong thời gian làm việc tại trường Dục Thanh thầy Thành là người chăm sóc cây khế đó thôi 🙂

Bình luận về bài viết này